Dữ liệu và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc triển khai Chuyển đổi số cũng như ứng dụng các công nghệ 4.0 vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề vẫn nằm rất nhiều ở tâm lý có muốn “chuyển đổi” hay không của không ít doanh nghiệp, người dùng…
Xung quanh chủ đề này, Smile Express xin trích dẫn bài phỏng vấn anh Nguyễn Tấn Minh – Phó Giám đốc Công ty do Tạp chí Nhịp Sống Số thực hiện.
PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về quá trình phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam?
MinhNT: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) hiện hữu ở các lĩnh vực trong cuộc sống, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của con người cũng như chất lượng và hiệu suất công việc. Nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước phát triển các sản phẩm, dịch vụ có sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Từ đầu những năm 1970, việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đã bắt đầu bằng việc đưa môn học về trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy cho sinh viên ngành tin học ở một vài trường đại học. Thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam cũng đã có bắt đầu có 1 số sản phẩm sơ khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo dù chưa thực sự tối ưu và phục vụ sát với nhu cầu thực tiễn.
Nhưng năm gần đây với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt các thư viện mã nguồn mở của Google, Microsoft, etc.. ,cộng với sự ra đời của các máy tính có khả năng tính toán cao (GPU, etc..) giá thành vừa phải, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam được phát triển với tốc độ rất cao. Các công ty Việt Nam chúng ta tự tin có đủ trình độ để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo của riêng mình. Nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã được đưa vào sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như giáo dục, kinh tế xã hội, giao thông vận tải, y tế… và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi nghĩ đó là những tín hiệu tốt để chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào một tương lai mà AI là công nghệ dẫn đầu.
PV: Trong bối cảnh đó, GMO-Z.com RUNSYSTEM có định hướng như thế nào về việc phát triển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội?
MinhNT: Có thể thấy AI đã bước đầu được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, trong hầu khắp các lĩnh vực, như: Trợ lý ảo, nhà thông minh, xe tự hành… cùng nhiều sản phẩm đặc thù trong từng ngành riêng biệt (như tài chính, truyền thông…).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ngành truyền thống sử dụng một lượng lớn tài liệu giấy, như ngân hàng, bảo hiểm, hành chính sự nghiệp… Thêm vào đó, các ngành này có đặc thù nhu cầu xác thực chủ thể bằng các giấy tờ cá nhân (bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân…) rất cao, vì thế việc ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất lao động, giảm thiểu các quy trình, thời gian, thao tác trong quá trình lưu trữ và tìm kiếm thông tin là vô cùng cần thiết.
Nhận thấy nhu cầu tiềm năng đó, GMO-Z.com RUNSYSTEM đã triển khai nghiên cứu sử dụng công nghệ AI để xây dựng và phát triển giải pháp SmartOCR cho nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng bằng lái xe, thẻ bảo hiểm (ứng dụng tại Nhật Bản), CMND, CCCD, hộ chiếu…
PV: Xin ông nói rõ hơn về “đất diễn” của công nghệ AI trong các công việc đòi hỏi độ chính xác cao đó?
MinhNT: Xin lấy ví dụ từ SmartOCR, với việc sử dụng công nghệ học máy (Deep-learning) kết hợp các công nghệ xử lý ảnh giúp tăng chất lượng nhận dạng ký tự. Nhờ đó, AI nhận dạng được đâu là Bằng lái xe, CMND, CCCD trong bức ảnh. Bước tiếp theo là sử dụng công nghệ xử lý ảnh để căn chỉnh độ nghiêng, xóa nhiễu, bóc tách chữ, làm mịn rồi tiếp tục sử dụng AI để nhận dạng chữ. Trong deep-learning, việc tạo dữ liệu học rất quan trong, song song với việc sử dụng nhân lực để tạo dữ liêu, GMO-Z.com RUNSYSTEM cũng sử dụng chính AI để tạo thêm các mẫu dữ liệu cho quá trình “học” của máy tính.
Xin lấy ví dụ bằng việc mà chúng ta tưởng như rất khó thực hiện là nhận diện chữ viết tay trên các biểu mẫu (ví dụ như biểu mẫu đăng ký chuyển tiền, etc…) được ứng dụng tại Nhật Bản. Ở đây, công nghệ AI sẽ hỗ trợ chuyển thể hình ảnh (bản scan từ biểu mẫu viết tay) thành văn bản để đưa vào các hệ thống của ngân hàng tại Nhật Bản. Ở đây, trí tuệ nhân tạo đã được “học” rất nhiều dữ liệu từ mẫu viết tay của người Nhật để nhận dạng và đưa ra đáp án chính xác (ký tự phù hợp), rồi tự động nhập liệu vào trong hệ thống.
Qua quá trình kiểm tra, trải nghiệm và thống kê cho thấy ứng dụng công nghệ AI cho nhận dạng chữ viết tay với độ chính xác trên 90% đã giúp giảm trên 50% thời gian nhập dữ liệu của nhân viên. Còn với việc nhận dạng Bằng lái xe, CMND, CCCD, ứng dụng AI cho nhận dạng thông tin đã giúp cho việc kiểm chứng thông tin được rút ngắn hơn 70% thời gian thực hiện, tăng tốc độ xử lý công việc, phục vụ khách hàng tốt hơn.
PV: Được biết, các khách hàng chủ lực cho những sản phẩm liên quan đến AI của GMO-Z.com RUNSYSTEM vẫn là ở Nhật Bản. Vậy, công ty có kế hoạch gì để phát triển các ứng dụng AI tương tự tại Việt Nam?
Minh NT: Bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ đầu năm 2017, đến nay sản phẩm SmartOCR của GMO-Z.com RUNSYSTEM đã được một số khách hàng tin tưởng “đặt hàng” và đang trong giai đoạn nghiệm thu sản phẩm để đưa ra ứng dụng thực tiễn như: GMO Aozora Bank sử dụng smartOCR nhận dạng bằng lái xe, thẻ bảo hiểm (trên ngôn ngữ tiếng Nhật), khách hành Nhật Ban đang nghiệm thu và cải thiện việc nhận dạng biểu mẫu viết tay trong các thủ tục hành chính. Ngay tại Việt Nam, sản phẩm cũng được công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay tài chính quan tâm, đang trong quá trình kiểm chứng hiệu quả.
Bên cạnh SmartOCR, Công ty cũng đang sử dụng công nghệ AI để ứng dụng trong các giải pháp khác liên quan chuyển đổi số khác như Checkman và AI camera dành cho thị trường Việt Nam.
Checkman là giải pháp dùng camera kết hợp với AI sử dụng cho nghiệp vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm bằng hình ảnh, nâng cao hiệu quả và giảm sai sót, mang lại hiệu suất làm việc cao hơn so với thủ công.
Thông thường, độ chính xác của việc kiểm tra sẽ phụ thuộc vào độ tinh nhạy của mắt, do đó khi mắt mỏi thì chất lượng của việc kiểm tra sẽ bị ảnh hưởng. Và Checkman chính là giải pháp giúp đảm bảo chất lượng kiểm tra cho các sản phẩm có chất lượng đồng đều, đảm bảo tiêu chuẩn đề ra.
AI camera là giải pháp sử dụng camera kết hợp AI để phân tích thông tin của khách hàng đến cửa hàng như độ tuổi, giới tính, phong cách sống, thời trang,… và hành vi của khách tại cửa hàng như tần suất, thời gian,quan tâm đến sản phẩm nào, đứng ở quầy hàng nào lâu… Dựa vào các thông tin này bộ phận Marketing hay quản lý cửa hàng có thể đưa ra các chiến dịch Marketing hay thay đổi tối ưu vị trí các quầy hàng để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng cũng như nâng cao doanh thu cho cửa hàng.
Năm 2019, đồng hành với Chuyển đổi số, GMO-Z.com RUNSYSTEM sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cả về nguồn lực con người và công nghệ để nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm có ý nghĩa và mang lại nhiều giá trị thiết thực phục vụ cho cuộc sống.