Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục chứng kiến cuộc chạy đua theo hướng công nghệ số của các thương hiệu nổi tiếng cũng như các doanh nghiệp mới.
Bàn luận sâu về vấn đề Chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Bảo hiểm, ông Vũ Viết Hoàn – Business Analytics Manager, Khối Chuyển đổi số, Công ty GMO-Z.com RUNSYSTEM đã có những chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay?
Là người chuyên phân tích nghiệp vụ bảo hiểm trong suốt hơn 10 năm qua và kinh nghiệm triển khai Chuyển đổi số cho hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm của GMO-Z.com RUNSYSTEM, theo quan điểm của tôi, chuyển đổi số trong ngành Bảo hiểm là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và cách thức hoạt động của Bảo hiểm thông qua công nghệ. Trong ngành Bảo hiểm, chuyển đổi số còn thể hiện ở việc cải tiến trong nhiều lĩnh vực liên quan đến dịch vụ bao gồm: Tự động hóa quy trình; Nâng cao trải nghiệm khách hàng; Tích hợp dữ liệu; Nâng cao tính linh hoạt của tổ chức và bán hàng.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tạo động lực thúc đẩy các ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo hiểm (Insurtech) phát triển mạnh mẽ, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và thực hiện các đổi mới, chuyển đổi các kênh phân phối của thị trường.
Hiện nay việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ và đạt được những thành tựu như: Vận hành, sử dụng các website riêng; các ứng dụng website/app cho các quy trình kinh doanh; đa dạng các quy trình cung cấp sản phẩm bảo hiểm trực tuyến; đảm bảo tăng cường các quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm trực tuyến; các dịch vụ số, trực tuyến chăm sóc khách hàng. Đồng thời, các DNBH Việt Nam đã phát triển, cung cấp các ứng dụng số nhằm hỗ trợ các đại lý bảo hiểm ở các cấp chi nhánh; hợp tác với bên thứ 3 để bán sản phẩm bảo hiểm (ngân hàng số, các sàn giao dịch điện tử, các công ty công nghệ)…
Mặc dù ngành bảo hiểm đã áp dụng công nghệ số để nâng cao việc quản trị, hoạt động, số hóa các quy trình nghiệp vụ … tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng. Các thành công gần đây chỉ là bước đầu trong kết quả phát triển. Để có được những phát triển vượt bậc hơn, DNBH Việt Nam cần đẩy mạnh việc CĐS mạnh mẽ, thực chất hơn nữa, đặc biệt, cần loại bỏ các tồn tại, hạn chế như: Tiềm lực về tài chính cho việc đầu tư công nghệ chưa cao; nhân lực chuyên trách mảng công nghệ còn mỏng, yếu; chưa có quy định đặc thù hỗ trợ triển khai nhiệm vụ CĐS cụ thể…. Ngoài ra, để tạo sự dịch chuyển mạnh mẽ quá trình CĐS, điều quan trọng, ngoài sự nỗ lực trong ngành cần tăng cường thêm các kênh phân phối bảo hiểm mới thì luôn cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa từ nhà nước, cơ quan quản lý.
Có thể thấy, đẩy mạnh ứng dụng số hóa vào quá trình quản trị doanh nghiệp, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đồng thời kiện toàn hoạt động của hệ thống tổng đại lý, chuẩn hóa chất lượng tư vấn viên là điều nên làm và phải làm để tạo ra những thay đổi tích cực và sự phát triển bền vững ở ngành bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay.
PV: Theo Ông, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ nhận được những lợi ích / tiềm năng gì khi thực hiện chuyển đổi số, áp dụng CNTT?
Việc ứng dụng đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ giúp các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm của mọi tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện tối đa và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Chuyển đổi số (CĐS) ngành bảo hiểm chính là việc tạo dựng, thiết lập mới cấu trúc số cho ngành, giúp ngành giảm thiểu sự cồng kềnh, tăng các cơ hội để phát triển ngành bền vững. DNBH có thể đạt được những bước tiến chuyển đổi số mạnh mẽ và tối ưu hóa hiệu suất vận hành nếu tận dụng được AI và tự động hóa công nghệ số. Với hướng tiếp cận và kế hoạch hợp lý, AI là công nghệ có thể đem lại nhiều giá trị để tối ưu vận hành và đáp ứng nhu cầu khách hàng, đón đầu thị trường cho ngành bảo hiểm: “AI giúp cải thiện 40% năng suất; giảm 80% phí vận hành; giảm 85 lỗi của con người; giảm 85% thời gian xử lý; chuyển dữ liệu liền mạch đạt 99%”. Bên cạnh sự hỗ trợ của AI thì không thể bỏ qua vai trò tự động hóa bằng công nghệ số, tự động hóa có thể giúp ngành bảo hiểm tăng 99% độ chính xác với thông tin cần trích xuất và xử lý các tài liệu đã nộp, giảm 50% thời gian và công sức xử lý giao dịch: “Nếu đẩy mạnh việc tự động hóa bằng công nghệ số, ngành bảo hiểm có thế đưa ra các dự báo về tính chính xác và độ tin cậy của tài liệu; xử lý được 15.000 lượt tài liệu mỗi tháng”.
Để giúp ngành bảo hiểm đạt được những kết quả tích cực hơn, GMO-Z.com RUNSYSTEM cũng xác định luôn đồng hành với các DNBH bằng cách đầu tư xây dựng bộ giải pháp ứng dụng tự động hóa thông minh như: SmartOCR (Giải pháp trích xuất và xử lý dữ liệu tự động, xây dựng dựa trên công nghệ AI); SmartRPA (công cụ tự động hóa quy trình nghiệp vụ); LogrecoAI (giải pháp học máy và mô hình AI dựa trên các dữ liệu).
PV: Ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm đang thực hiện chuyển đổi số?
Dựa trên kinh nghiệm mà GMO-Z.com RUNSYSTEM triển khai chuyển đổi số cho hàng chục doanh nghiệp tại Việt Nam và Nhật Bản, lời khuyên đầu tiên phải đề cập đến là chiến lược tiếp cận chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Bảo hiểm. Ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, lựa chọn của hầu hết các doanh nghiệp khi xây dựng các hướng phát triển kinh doanh là lựa chọn các nền tảng công nghệ số trước tiên (“Digital-First”). Tuy nhiên thay vì tiếp cận chuyển đổi số theo hướng đầu tư vào những công nghệ hiện đại, hạ tầng dữ liệu để nâng cao năng suất thì nên tiếp cận theo 2 hướng kết hợp có tính ứng dụng tối ưu hơn bao gồm:
Ngoài ra các ứng dụng công nghệ như AI, dữ liệu lớn, IoT… giúp phân tích thị trường, thiết kế đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu khác hàng; dữ liệu lớn giúp DNBH hiểu rõ các rủi ro, giúp cải thiện đáng kể khả năng định phí; chatbox, app online, di động, nền tảng xã hội… giúp DNBH tăng khả năng tương tác với khách hàng, dễ dàng tiếp nhận giải quyết chi trả quản lý bảo hiểm trên nền tảng số.
Để đảm bảo chuyển đổi số thành công, các DNBH cần thực hiện 06 bước:
Bước 1: Định hướng & Chiến lược số: DNBH cần xác định chính xác trọng tâm, chiến lược chuyển đổi số phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Bước 2: Phân tích vấn đề: DNBH cần tái thiết kế lại quy trình dựa trên hành trình trải nghiệm khách hàng, mục tiêu tối ưu hóa hoạt động. Ví dụ: các nhà quản lý cần tìm hiểu sâu và phân tích những vấn đề nhức nhối thực sự khi khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán, hợp đồng, chăm sóc khách hàng. Từ đó đưa ra ý tưởng các sáng kiến số phù hợp để giải quyết vấn đề
Bước 3: Xây dựng lộ trình chuyển đổi số: DNBH xây dựng ngân sách, lập mô hình tính toán hiệu quả mang lại và xây dựng lộ trình Chuyển đổi số phù hợp với mục tiêu và ngân sách của tổ chức.
Bước 4: Thực hiện & Giám sát: DNBH xác định rõ ràng KPI để theo dõi kết quả của từng dự án chuyển đổi số và đảm bảo sử dụng công nghệ tốt nhất, triển khai trong thời gian nhanh nhất.
Bước 5: Đánh giá & Xác nhận: Việc đánh giá và xác nhận kết quả giúp các DNBH có thêm thông tin cập nhật, nhằm đưa ra các cải tiến phù hợp để dự án đạt được hiệu quả mong muốn
Bước 6: Báo cáo & Cải tiến: Báo cáo kết quả thực hiện và cải tiến thường xuyên là các hành động quan trọng để đảm bảo một dự án thành công, phù hợp với tình hình triển khai và đồng bộ với các dự án chuyển đổi số khác.