RUNSYSTEM | GMO-Z.com RUNSYSTEM Joint Stock Company

Nguyễn Hữu Tùng – “Cú quay xe” ngoạn mục sang ngành IT

Th2 12, 2023
Chia sẻ
Sẽ thật phí hoài nếu như tuổi trẻ không dám thử thách bản thân, không nắm bắt được cơ hội, không trải nghiệm được những điều mà bản thân mong muốn.

Tuổi trẻ của anh Nguyễn Hữu Tùng là những tháng ngày lăn lộn làm đủ thứ nghề từ nhân viên chạy bàn quán nhậu đến công việc bàn giấy tại 1 công ty ở Nhật Bản. Trở về Việt Nam, anh đã có một “cú quay xe” táo bạo khi từ một HR chuyển sang ngành IT đầy lạ lẫm. Bên trong chàng trai trẻ ấy là một niềm khát khao trải nghiệm đến cháy bỏng, cũng bởi thế, anh đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp từ sự bứt phá và không ngại dấn thân, đem về cho bản thân và tổ chức những giá trị tuyệt vời. Và giải thưởng Best G-Runner 2022 hạng mục SMC như một “trái ngọt” xứng đáng dành cho anh trong năm vừa rồi.

PV: Xin chào anh và rất cảm ơn anh đã đồng ý tham gia buổi trò chuyện này. Anh có thể chia sẻ về cảm xúc khi tên của mình được xướng lên trong buổi New Year Party 2023 với danh hiệu Best G-Runner 2023 hạng mục SMC?

TungNH: Giật mình, bỡ ngỡ và không thể tin nổi! Thực sự là lúc ấy mình đang mải câu chuyện với những anh em trong cùng bàn tiệc hôm đó. Bỗng anh Kiên “bác sĩ” vỗ vai và bảo: “Ơ chú kìa, chú kìa!” thì mình mới giật mình tiến lên sân khấu nhận giải thưởng. Đối với mình, giải thưởng Best G-Runner 2022 là một sự ghi nhận quý giá, một phần thưởng ý nghĩa cho những gì mình đã làm, đã nỗ lực, đã cống hiến trong suốt chặng đường vừa qua. Đặc biệt, giải thưởng này không chỉ dành riêng cho mình mà còn dành cho cả team mình – nơi có những con người năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, luôn đoàn kết và sẵn sàng cùng nhau tạo ra những điều tuyệt vời.

PV: Với vai trò là cầu nối của các dự án với khách hàng Nhật, theo anh, điều gì giúp anh chiếm được lòng tin của khách hàng giúp đem lại thành công cho các dự án? Việc thường xuyên phải làm việc với các khách hàng Nhật vốn nổi tiếng “kỹ tính, khó tính” giúp anh học hỏi được điều gì?

TungNH: Điều mình nằm lòng đó là luôn tuân thủ 2 quy tắc: HORENSO & PDCA. Khi làm việc chuẩn theo HORENSO thì mình sẽ giảm thiểu các sai sót và đạt được sự tin tưởng của khách hàng. Bản thân mình không phải là người base về IT mà lại rẽ ngang sang nên kiến thức về kỹ thuật của bản thân so với khách hàng còn hạn chế. Nếu điều gì đó bản thân mình còn đang mập mờ mà mình đã quyết định làm ngay thì có thể dẫn tới hậu quả rất lớn. Vậy nên dù làm cái gì mình cũng phải báo cáo, liên lạc, trao đổi một cách chắc chắn và cẩn thận, phòng khi có 1 điều gì đó mình mới hiểu chớm sai thôi thì khách hàng sẽ giải thích, gợi ý cho mình. Làm được điều đó thì lúc nào luồng suy nghĩ hay phán đoán của mình với yêu cầu của khách hàng cũng luôn là đúng.

Còn PDCA (Plan – Do – Check – Action) cũng là 1 phương pháp mà mình học được ở bên Nhật. Nó là 1 cái vòng lặp công việc để những gì mà ngày mai mình làm sẽ là phiên bản tốt nhất của ngày hôm qua.  Sau nhiều năm sống ở Nhật cũng như làm việc với khách hàng Nhật thì mình thấy cái từ “kỹ tính” hay “khó tính” nếu nghe qua chúng ta sẽ nghĩ theo chiều hướng hơi xấu. Tuy nhiên, bản thân mình thấy đó là đức tính khá tốt trong công việc. Kỹ tức là tốt, nếu giai đoạn đầu mình kỹ tính, làm chỉn chu thì kết quả của mình cũng sẽ tỉ lệ thuận với những gì mình đã kỹ từ lúc đầu.

PV: Được biết, anh đã có thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản nhiều năm, những trải nghiệm trong khoảng thời gian này hỗ trợ điều gì cho công việc của anh hiện tại?

TungNH: Mình có thời gian du học ở Nhật hơn 6 năm một chút. Thời gian này mình đã trải qua rất nhiều công việc, công việc tay chân cũng có và công việc bàn giấy cũng có. Đặc biệt, có 2 công việc part-time ở 2 môi trường hoàn toàn khác nhau đã mang tới cho mình những bài học mà cho tới hiện tại vẫn giúp ích rất nhiều trong công việc.

Thứ nhất là công việc tại quán nhậu mình làm từ lúc vào Đại học cho đến lúc ra trường. Môi trường đó giúp cho mình hiểu được xã hội ở bên Nhật sau giờ làm việc nó như thế nào, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới ra sao,… Dựa trên những gì quan sát được, mình đã tự học được những kiến thức hay kỹ năng mà không một trường lớp nào dạy. Nhờ những ngày tháng đó mà sau này khi đi tiếp khách, mình hoàn toàn tự tin khi biết được cách trò chuyện phù hợp, biết cách rót bia, rót rượu, cách cầm cốc hay cách đặt cái đũa, cái bát như thế nào,…

Ngoài làm ở quán nhậu thì mình có thêm kinh nghiệm ở môi trường business khi vào kì đầu tiên của năm thứ 3, mình được 1 giáo viên ở trường Đại học giới thiệu vào làm ở công ty Nhật. 2 năm làm ở đây, mình thực sự được trải nghiệm 1 cách rõ nét nhất thế nào là công ty Nhật, cách chào hỏi, báo cáo, sử dụng thiết bị văn phòng, cách viết mail cho khách hàng Nhật hay cách nghe và gọi điện thoại cho khách hàng. Đây là công việc đầu tiên của mình và đến giờ mình vẫn nói xuất thân của mình là một HR. 

PV: Trong năm qua, anh đã chủ động trong việc tìm kiếm và triển khai thành công một mảng hoàn toàn mới là tư vấn hạ tầng CNTT cho khách hàng Nhật là Thiên Hà Kameda và đem về doanh thu và lợi nhuận cao. Anh có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm việc với khách hàng này?

TungNH: Dự án này bên mình hầu như không làm việc trực tiếp với Khách hàng Kameda mà còn thông qua một bên đối tác nữa là 1 công ty IT. Mình không có base về IT nên so với đối tác này thì họ hơn mình về mọi thứ. Tuổi đời hơn mình, tuổi nghề hơn mình và tiếng Nhật họ cũng hơn vì họ 100% là người Nhật. Kinh nghiệm làm việc của họ hơn mình nên có rất nhiều thứ mà đối với họ là hiển nhiên, là level thấp nhất phải đạt được thì mình lại chưa làm được. Bởi vậy, thời gian đầu mình cảm giác hơi “ngợp” khi bị deadline gấp dí liên tục.

Đây cũng là lần đầu tiên bên mình triển khai dự án tư vấn hạ tầng CNTT như thế này nên nhiều vendor chưa có sẵn, đụng đến cái gì thì mình mới đi hỏi, đi xin báo giá,… Thời điểm này mình bị stress vì cảm thấy làm việc khá bị động vì nhiều vendor hay công cụ chưa có sẵn.

“Trộm vía” là sau khi mình đã bắt nhịp được, chủ động hơn thì mọi việc đã vào đúng quỹ đạo. Mình cũng rất tự hào vì dự án này đã đóng góp 1 phần lớn vào doanh thu của IID.

PV: Nếu như phải chọn 1 hashtag cho mình trong năm 2023, anh sẽ chọn hashtag gì? Và vì sao?

TungNH: Hashtag mình lựa chọn trong năm 2023 là #Chuyênnghiệp. Trong năm 2023, mình có dự định là sẽ tham gia 1 khoá học để sở hữu 1 chứng chỉ về IT. Là một người không được đào tạo về IT một cách bài bản, mình hy vọng sau khi đã có được chứng chỉ này thì thì bản thân sẽ thu được những kiến thức chuẩn hoá về quy tắc làm việc hay lập kế hoạch khi thực hiện các dự án sau này. Hiện tại mình làm việc hoàn toàn theo kinh nghiệm của bản thân, dự án sau đúc rút kinh nghiệm từ dự án trước chứ mình không tuân theo bài vở hay giáo trình quy chuẩn nào cả. Mình muốn trở nên chuyên nghiệp hơn trong năm mới để nâng cao tính hiệu quả cho bản thân, nâng cao hiệu suất cho team để từ đó cung cấp cho Khách hàng những sản phẩm tốt nhất.

PV: Bận rộn với công việc như vậy, anh thường chọn cách nào để thư giãn, giải toả áp lực?

TungNH: Với người “đi khách” kín tuần như mình thì mình chỉ có thể giải trí trong 2 ngày cuối tuần. Mình có vài thú vui, thứ nhất là uống trà đá, thứ hai là câu cá và thứ 3 là cắm trại. Về sở thích cắm trại thì có lúc mình đi với bạn, lúc lại đi với người yêu. Mình khá tuỳ hứng nên có thể là sáng sớm ngủ dậy thấy trời đẹp quá nên rủ người yêu xách ba lô lên và đi luôn chứ hoàn toàn không có kế hoạch gì cả ^^

Cảm ơn những chia sẻ hết sức thú vị từ anh Nguyễn Hữu Tùng. Dẫu biết rằng anh cùng IID vẫn còn một chặng đường dài phải đi nhưng tin rằng với lòng nhiệt huyết và sự nỗ lực không biết mệt mỏi, anh nhất định sẽ thành công!

Chia sẻ

Liên hệ với chúng tôi

contact us